17-08-2019

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 của nông nghiệp Việt Nam là đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng trong nhóm 10 nước hàng đầu... Để thực hiện thành công mục tiêu trên, ngày 17-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Đây chính là động lực mới đưa nông nghiệp Việt Nam hội nhập hiệu quả cùng thế giới.

 

Thu hút đầu tư, hình thành những doanh nghiệp lớn là bước đi quan trọng để đưa nông nghiệp Việt Nam vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới. Trong ảnh: Mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco.

 

Nhiều tiềm năng nhưng thiếu sức hút

Việc một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Ba Huân, Lavifood... triển khai những dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra một “làn sóng” đầu tư mới với nhiều tín hiệu tích cực. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.634 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 10.988 đơn vị.

 

Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực này, ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân chia sẻ: "Khởi nghiệp từ năm 2001, đến nay công ty đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng các trang trại chăn nuôi gà, nhà máy sản xuất trứng ứng dụng công nghệ cao. Hiện sản phẩm của công ty đã chiếm hơn 30% thị phần ở Việt Nam. Hệ thống phân phối phủ khắp các siêu thị, nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...".

 

Tuy nhiên, có một thực tế là sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế (nguồn lực về đất đai, hệ sinh thái, lực lượng lao động…), số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chiếm 1%. Vì sao có tình trạng nêu trên?

 

Bà Trần Kim Liên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương cho biết: "Do sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ lệ lợi nhuận thấp, trong khi bảo hiểm nông nghiệp dù đã có nhưng khung pháp lý chưa đủ mạnh, thủ tục chi trả phức tạp... khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư".

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Anh Đào - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quốc tế Hùng Dung, hiện nay, đất đai được giao cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý; địa phương không có quỹ đất để quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Để xây dựng trang trại và nhà máy, doanh nghiệp phải tự thương lượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc thuê đất từ cá nhân với giá cao, diện tích nhỏ nên hạn chế việc mở rộng quy mô và kinh doanh lâu dài...

 

Nhận định về những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà khi đầu tư vào nông nghiệp, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng phân tích, hiện nay, 96% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực còn hạn chế.

 

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ dẫn tới đất đai manh mún, phân tán; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Chưa kể thời gian thực hiện đầu tư vào nông nghiệp thường dài với nguồn vốn lớn, hơn 10 năm mới có thể thu hồi nên doanh nghiệp vẫn e ngại...

 

Khơi thông nguồn lực

Rõ ràng, để đạt mục tiêu đến năm 2030 ngành Nông nghiệp đứng trong tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới, việc thu hút đầu tư, hình thành những doanh nghiệp lớn là bước đi quan trọng.

 

Cùng với hệ thống giải pháp đang thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, trong đó nêu rõ: “Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam”.

 

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Thực phẩm Ba Huân. Ảnh: Mai Hương

 

Từ nhận thức đó, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường nhượng quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành những vùng sản xuất, chế biến tập trung…

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, những chính sách mới của Chính phủ là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực và nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 3 ngành chế biến là rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới...

 

Để chính sách đi vào thực tiễn, theo ông Đàm Quang Thắng - Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam, các địa phương cần có cơ chế và hành lang pháp lý bảo đảm cho việc tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chủ động thông tin dự báo thị trường quốc tế…

 

Tuy nhiên, phải thấy rằng, cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hơn hết doanh nghiệp cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Đồng thời chủ động liên kết với nhau để tạo thành những tập đoàn lớn về kinh tế, có tiềm lực, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để xuất khẩu, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa nông nghiệp Việt Nam vào tốp đầu của thế giới.

 

Nguồn: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/942487/thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep-tao-dong-luc-phat-trien-moi

Bài viết liên quan

Hướng dẫn An toàn và sức khỏe trong sử dụng hóa chất nông nghiệp (Phần 3): VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM
May 22, 2019

Hướng dẫn An toàn và sức khỏe trong sử dụng hóa chất nông nghiệp (Phần 3): VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM

Các nhà sản xuất có vai trò chính liên quan đến an toàn và sức khỏe trong việc...
Nhiều 'vũ khí' xóa ngành nông nghiệp hóa chất
Aug 16, 2019

Nhiều 'vũ khí' xóa ngành nông nghiệp hóa chất

Sử dụng các loại phân vi sinh thay thế phân bón hóa học được coi là bước "tiêm phòng" nhằm...
Nhập khẩu hóa chất nông nghiệp cần rõ ràng xuất xứ
Aug 16, 2019

Nhập khẩu hóa chất nông nghiệp cần rõ ràng xuất xứ

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã nhập hóa chất kém chất lượng, rất khó xử lý...Sáng nay (26/6),...
Brazil chấp thuận các biện pháp phân loại hóa chất nông nghiệp phù hợp với GHS
Aug 17, 2019

Brazil chấp thuận các biện pháp phân loại hóa chất nông nghiệp phù hợp với GHS

Vào ngày 23 tháng 7 năm 2019, Agencia Nacional de Vigilancia Sanitaria (ANVISA - Cơ quan giám sát vệ sinh...