Không chỉ TP.HCM, việc mua bán hóa chất phải được quản lý đồng bộ trên toàn quốc, tránh tình trạng dẹp chợ nơi này nhưng mọc lên nơi khác.
Là người dân TP.HCM, trước thông tin di dời chợ hóa chất Kim Biên, dù thấy vui nhưng thú thật tôi vẫn chưa hết lo. Chắc hẳn ai cũng biết, chợ hóa chất Kim Biên đã có từ lâu, được xem là chợ “thần chết”. Nhưng đây không phải là nơi duy nhất bán hóa chất độc hại ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Chợ Kim Biên có hai khu vực kinh doanh hóa chất. Cụ thể, khu vực chợ là nơi tập trung các cửa hàng buôn bán hóa chất dạng hương liệu – phụ gia thực phẩm (do ngành y tế quản lý). Còn những của hàng kinh doanh xung quanh chợ thường bán hóa chất công nghiệp (ngành công thương quản lý).
Theo quy định của Bộ Y tế, các hương liệu – phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép sẽ được dùng để sử dụng chế biến thức ăn. Còn theo quy định của Bộ Công Thương, các hóa chất công nghiệp thì được phép sử dụng vào những mục đích phục vụ sản xuất công nghiệp. Vậy nguy hiểm đến từ đâu? Là do chúng ta không kiểm soát được các hóa chất được mua để sử dụng vào mục đích gì và liều lượng bao nhiêu.
Tôi có thể dẫn chứng như sau: Chủ một cơ sở sản xuất bún muốn mua chất tẩy trắng họ có thể đến chợ Kim Biên mua chất này. Theo quy định của Bộ Y tế, người sản xuất bún có thể mua chất phụ gia tẩy trắng (thuộc các chất nằm trong danh mục cho phép) về dùng để sản xuất bún. Nhưng thực tế không ai có thể biết được cơ sở sản xuất bún ấy dùng chất tẩy trắng với hàm lượng bao nhiêu, có vượt quá mức quy định không. Hiện nay công tác lưu mẫu, phân tích mẫu chưa được thực hiện thường xuyên.
Nguy hiểm hơn, do tình trạng quản lý lỏng lẻo, người kinh doanh thực phẩm còn có thể mua cả những hóa chất công nghiệp độc hại về chế biến thực phẩm. Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở kinh doanh thực phẩm dùng các hóa chất công nghiệp để tẩy trắng, tẩm ướp thực phẩm như vụ ngâm măng biến thịt heo thành thịt bò… GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, cũng từng lên tiếng rằng mối nguy hiểm lớn nhất ở chợ Kim Biên là phụ gia chế biến thực phẩm và hóa chất công nghiệp được bán lẫn lộn với nhau và nguy cơ dùng hóa chất công nghiệp để chế biến thực phẩm là rất cao.
Với thực tế như trên, theo tôi chỉ di dời chợ hóa chất Kim Biên thôi thì chưa đủ mà cần phải xây dựng tách bạch hai khu vực kinh doanh hóa chất và có cơ chế quản lý thật chặt cũng như hình thức xử lý thỏa đáng đối với người bán lẫn người mua. Mặt khác, việc kiểm soát tình trạng buôn bán hóa chất phải được triển khai đồng bộ trên cả nước. Hiện không chỉ có chợ Kim Biên ở TP.HCM kinh doanh hóa chất mà các TP lớn phía Bắc, chuyện mua bán hóa chất cũng phổ biến. Đó là chưa nói đến lượng hóa chất nhập lậu qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam hiện cũng không nhỏ. Nếu không được kiểm soát đồng bộ, chặt chẽ thì dù có dẹp được chợ Kim Biên ở TP.HCM cũng sẽ có những chợ “thần chết” khác mọc lên.
Làm thế nào để đảm bảo các loại hóa chất được sử dụng đúng mục đích? Theo tôi, cần siết chặt hơn việc mua và bán. Người mua phải chứng minh được mục đích mua và viết cam kết sử dụng đúng. Ví dụ, tôi muốn mua acid dùng làm bình ắcquy, chất tẩy trắng dùng trong sản xuất công nghiệp thì tôi phải trình giấy phép hoạt động của cơ sở; nếu tôi không trình được thì cửa hàng không được bán acid cho tôi.
NGUYỄN QUANG NGHIỆP
(Phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM)
Hiện một số loại hóa chất gọi là làm đẹp da đang được sử dụng tràn lan ở các tiệm làm đẹp tại các vùng nông thôn. Mới đây, mấy chị em trong xóm tôi bị một phen hú vía vì kem trộn. Theo tôi, ngoài TP.HCM thì các tỉnh cũng nên có cách quản lý các loại hóa chất chặt hơn. Nếu TP.HCM quản chặt nhưng các tỉnh khác vẫn buông lỏng thì người ta vẫn có thể mua hóa chất mang về Sài Gòn sử dụng.
NGUYỄN THỊ NGỌC YẾN (Xã Long Thuận,
huyện Thủ Thừa, Long An)
Khu vực tôi đang ở có một cơ sở chế biến nước rửa chén, cồn nước cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Ông chủ cơ sở bảo rằng dễ làm lắm, chỉ cần ra chợ Kim Biên mua mấy loại hóa chất về cho vào máy trộn là có thể đóng chai mang đi bán. Làm sao người ta biết được tỉ lệ pha như thế nào cho an toàn vì đã có biết bao vụ bỏng cồn hoặc da tay bị nhiễm trùng? Theo tôi, Nhà nước hãy quản lý hóa chất giống như quản lý các loại hỗ trợ như roi điện, súng điện… Tức là cả người bán lẫn người mua phải được cấp phép và nếu mua, bán không phép thì phải bị chế tài thật nặng.
NGÔ THANH TÙNG (Phường Phú Thọ Hòa,
quận Tân Phú, TP.HCM)
Nên lập những kênh tiếp nhận thông tin từ phía người dân, ghi nhận và xử lý ngay những phản ánh về vi phạm trong mua, bán hóa chất. Ngay cạnh nhà tôi, có hộ trồng thanh long thường ngâm hóa chất để thanh long giữ màu đỏ, tươi lâu, chính mắt tôi đã vài lần chứng kiến. Nếu quản lý chặt sẽ rõ được rằng trồng cây ăn trái mà sao mua hóa chất nhiều đến vậy, mục đích để làm gì, có hợp lý hay không…
Ông NGUYỀN TIẾN MINH (TP Phan Thiết, Bình Thuận)
NGUYỄN HIỀN ghi
TRẦN HOÀNG NHIÊN (Quận Tân Bình, TP.HCM)
Nguồn tham khảo: https://antoanthucpham.org/chi-tp-hcm-siet-mua-ban-hoa-chat-khong-an-thua/
Xem thêm:
Nhà nước kiểm soát mua bán hóa chất độc hại như thế nào?
Mua, bán hóa chất độc nhưng không có phiếu kiểm soát xử phạt như thế nào?
Người Việt chi hơn 400 triệu USD mỗi tháng để mua hóa chất
Top 3 website mua bán hóa chất trực tuyến hàng đầu thế giới
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng
Mua hàng