Nhiều hóa chất độc hại được bán không đúng quy định

14-07-2019

Theo Khoản 5, Điều 4, Luật Hóa chất có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008, quy định: Hóa chất độc là hóa chất nguy hiểm có ít nhất một trong những đặc tính sau: Gây độc cấp tính, độc mãn tính, gây kích ứng với con người, gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, gây biến đổi gen, độc đối với sinh sản, tích lũy sinh học, ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, độc hại đến môi trường.

 

Nhiều hóa chất độc hại được bán không đúng quy định (Ảnh minh họa)
Axit Sunfuric loãng, axit Sunfuric đậm đặc, axit Clohydric đậm đặc và chất làm nhừ thực phẩm: Sản phẩm không có nhãn mác hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, bao bì không đúng tiêu chuẩn và khi mua, bán không có phiếu.

 

Và theo Điều 23 của luật này: Việc mua bán hóa chất độc hại phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường. Trong phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc hại bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.

 

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc hại phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Một số hóa chất độc hại khi mua, bán phải tuân thủ quy định trên như: Axit sunfuric, axit clohydric, axit carbolic (phenol), kali nitrar, natri nitrat..., một số hóa chất dùng làm phụ gia thực phẩm như: Chất làm mềm, làm trắng thực phẩm, chất tạo màu, hương liệu trái cây... và hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, thuốc trừ sâu Primor G, Confidor, Polysect Ult...

Dù việc quản lý, mua bán hóa chất độc hại trên thị trường đã được Nhà nước quy định chặt chẽ, rõ ràng, song quá trình thực thi, kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương chưa tốt, dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh hóa chất có thái độ coi thường pháp luật. Ví dụ, tại cửa hàng Mạnh Cường, nằm trên Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa, khi chúng tôi trình bày nhu cầu mua axit sunfuric loãng để nạp bình ắc quy ôtô, chủ cửa hàng đã sẵn sàng bán cho chúng tôi 4 lít axit sunfuric loãng với giá 5.000 đồng/lít. Theo quan sát, trước cửa hàng có 4 chiếc can màu xanh, không có nhãn mác, chủ cửa hàng giới thiệu 4 can đều đựng axit, mỗi can có nồng độ axit khác nhau. Vừa giới thiệu, nhân viên cửa hàng vừa dùng tay trần sang chiết 4 lít axit sunfuric loãng vào chiếc can chúng tôi chuẩn bị sẵn. Hoạt động mua, bán không có hóa đơn cũng như phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc như quy định của pháp luật.

 

Hoặc, tại cửa hàng hóa chất Nhật Tân nằm trên đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, chúng tôi trình bày nhu cầu mua axit sunfuric và axit clohydric loại đậm đặc. Chủ cửa hàng cho biết, axit sunfuric đậm đặc có giá 75.000 đồng/chai 0,5 lít, axit clohydric là 60.000 đồng/chai 0,5 lít và chúng tôi muốn mua bao nhiêu cũng có.

 

Người bán hàng nhanh chóng bỏ hai chai axit chúng tôi yêu cầu vào một chiếc túi ni-lông màu đen mà không cần hỏi mục đích sử dụng của khách hàng. Khi chúng tôi hỏi phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc hại, ông chủ cửa hàng nói: “Cái đấy không cần thiết”. Cầm trên tay hai chai axit vừa mua được, chúng tôi thấy trên vỏ chai có dán một mảnh giấy nhỏ chữ Trung Quốc và nơi sản xuất là “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) mà không có nhãn phụ bằng chữ tiếng Việt theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Được biết, ngoài axit sunfuric và axit clohydric, tại cửa hàng này còn nhiều loại hóa chất độc hại khác như kali nitrat, natri nitrat... và khi mua, bán đều không có phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc hại.

 

Axit sunfuric, axit clohydric (thuộc nhóm hóa chất công nghiệp nguy hiểm) là hai trong ba loại hóa chất vô cơ có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc, nó sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng nếu tiếp xúc trực tiếp với chúng qua da. Do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể. Ở dạng lỏng hoặc dạng bụi mù gây ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng, đặc biệt là màng nhầy của mắt, miệng và bộ máy hô hấp. Với đặc tính này, axit sunfuric và axit clohydric được xếp vào danh mục hóa chất độc hại.

Tương tự, những loại hóa chất thuộc các nhóm, như: Hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành y tế; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành thực phẩm; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong thú y và hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành bảo vệ thực vật cũng thuộc nhóm hóa chất độc hại và nằm trong danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, những mặt hàng này đều được bán không đúng quy định tại nhiều cửa hàng và chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ, thời hạn sử dụng cũng như ngày sản xuất hoặc có nhãn mác nhưng hoàn toàn bằng chữ nước ngoài, không có chú thích bằng chữ tiếng Việt.

 

Và, để qua mắt lực lượng chức năng, các chủ cửa hàng không bày công khai tại gian hàng mà giấu phía trong hoặc để ở một nơi khác. Khi có khách hàng yêu cầu, chủ cửa hàng thường tỏ ra đề phòng lực lượng chức năng cải trang dân thường nên không phải khách hàng nào hỏi mua cũng sẽ được đáp ứng.

 

Ví dụ, tại một gian hàng ở Chợ đầu mối rau, củ, quả Đông Hương (TP Thanh Hóa), khi chúng tôi trình bày nhu cầu mua 1kg bột làm nhừ thực phẩm, chủ cửa hàng đã nhìn chúng tôi với thái độ đề phòng, nhưng vì thấy chúng tôi nhiệt tình muốn mua nên chị kéo tôi vào trong nói nhỏ: “Các chị bán hàng phải có nguyên tắc, không phải ai hỏi cũng bán được, nhỡ quản lý thị trường cải trang dân thường đi kiểm tra, bắt được là chết đấy.

 

Thế nên em có đi cả chợ này mà hỏi qua loa thì cũng chả ai bán cho em đâu. Ở đây phụ gia thực phẩm loại nào cũng có nhưng không ai bày ra ngoài để cho em thấy”. Trong lúc trò chuyện, con gái chủ cửa hàng đã đi ra ngoài chừng 3 phút, sau đó trở lại gian hàng giao cho chúng tôi một túi bột màu trắng, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và bán với giá 50.000 đồng/kg.

 

Đối với hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành thực phẩm, có nhiều loại được phép sử dụng, nhưng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và dùng với liều lượng cho phép. Nếu sử dụng quá liều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, như: Gây ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, nguy cơ mắc bệnh ung thư... Và khi mua, bán những mặt hàng này đều phải có phiếu kiểm soát. Tuy nhiên, cả người bán lẫn người mua hầu như đều không có kiến thức cơ bản về vấn đề này. Hoặc, nhiều cá nhân có nắm được quy định của việc mua, bán, sử dụng hóa chất độc hại nhưng vì tham lợi nhuận, người bán chỉ cốt đáp ứng nhu cầu của người mua; người mua cũng vì ham lợi nhuận hoặc phục vụ cho nhiều mục đích cá nhân khác nên mua hóa chất độc hại về sử dụng tùy tiện, sử dụng vượt mức giới hạn cho phép trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm..., nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe của con người.

 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua, bán hóa chất độc hại còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhân lực, kinh phí cũng như trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm định hóa chất, sản phẩm hóa chất độc hại còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận cả người bán và người mua còn hạn chế, đa số chỉ quan tâm đến phục vụ lợi ích, nhu cầu trước mắt mà không quan tâm đến hậu quả lâu dài.

 

Hiện không thể thống kê được có bao nhiêu loại hóa chất độc hại đang lưu thông trên thị trường. Nhưng, thực tế thì sự hoành hành của hóa chất độc hại đang tấn công người tiêu dùng một cách thầm lặng. Rõ ràng, trách nhiệm chính về những thứ “vũ khí giết người thầm lặng” được bày bán công khai thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của người dân trong hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa chất và sản phẩm hóa chất độc hại cần được nâng lên, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

 

Nguồn tham khảo: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhieu-hoa-chat-doc-hai-duoc-ban-khong-dung-quy-dinh/55121.htm

Bài viết liên quan

Cách chọn nhà cung cấp hóa chất
Apr 30, 2019

Cách chọn nhà cung cấp hóa chất

Nền kinh tế không thể hoạt động mà không có nhà cung cấp hóa chất. Các cá nhân và doanh...
Chọn đúng nhà cung cấp là ưu tiên hàng đầu của người mua hóa chất
May 04, 2019

Chọn đúng nhà cung cấp là ưu tiên hàng đầu của người mua hóa chất

Xác định các nhà cung cấp hóa chất để mang lại giá trị lớn nhất cho tổ chức của bạn...
Mua, bán hóa chất độc nhưng không có phiếu kiểm soát xử phạt như thế nào?
Jul 09, 2019

Mua, bán hóa chất độc nhưng không có phiếu kiểm soát xử phạt như thế nào?

Mua, bán hóa chất độc nhưng không có phiếu kiểm soát sẽ bị xử phạt theo Khoản 2 Điều 7...
Các loại phí, lệ phí trong sản xuất, kinh doanh hóa chất
Jul 14, 2019

Các loại phí, lệ phí trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

Một số loại phí, lệ phí được bỏ trong sản xuất, kinh doanh hóa chất như: lệ phí cấp Giấy...